Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
Google search engine
HomeNhà thờHỏi đápTại sao chúng ta không giữ một số luật trong Kinh Thánh...

Tại sao chúng ta không giữ một số luật trong Kinh Thánh như cấm ăn huyết, cấm ăn đồ cúng?

Hỏi: Chúa Giê-su nói “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5, 17). Vậy tại sao ngày nay chúng ta không giữ một số luật được nêu trong Kinh Thánh như cấm ăn huyết, cấm ăn đồ cúng,…?
Trả lời:
Tự câu nói của Chúa Giê-su đã nói rõ ý kiện toàn lề luật. Kiện toàn là gì? Là làm cho nó nên trọn hảo. Sự trọn vẹn của lề luật là khi nó làm đúng chức năng của nó, là hướng dẫn con người đi theo sự thiện đích thực là chính Thiên Chúa bằng cách bước đi theo thánh ý Ngài. Mặt khác, chúng ta cũng thấy Chúa có thay đổi hoặc hủy bỏ một số luật như luật cấm các thức ăn ô uế khi Chúa nói mọi của ăn đều sạch (Mc 7, 18-23), hoặc Ngài kiện toàn luật giữ ngày Sabath là nhắm đến lợi ích cho con người (Mc 2, 27),… Chính Thánh Phao-lô cũng nói “Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật” (Ep 2, 15).
Vậy để hiểu chính xác câu nói của Chúa Giê-su, chúng ta phải hiểu thế nào?
Thánh Thomas Aquinas đã phân biệt Luật Cựu Ước thành 3 loại: luật luân lý, luật nghi lễ và luật công lý.
Trong đó, luật luân lý là trung tâm và là luật chính thức từ Thiên Chúa, ghi nhận trong mười điều răn. Luật này là vĩnh viễn, không thể hủy bỏ vì nó bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Luật này áp dụng cho mọi người, mọi nơi, mọi thời và là trung tâm của lề luật.
Luật nghi lễ là các luật có tác dụng hỗ trợ luật luân lý, giúp thực hành việc thờ phượng, tạo nên ý thức về sự thánh thiêng của dân riêng Thiên Chúa, giữ gìn vệ sinh,… như luật cắt bì, luật cấm ăn huyết, cấm ăn đồ cúng, luật rửa tay, luật thanh tẩy sau sinh nở, luật cưới chị dâu khi anh trai qua đời mà chưa có con,… Luật này bị hủy bỏ sau khi Chúa Giê-su thiết lập Giáo Hội. Dĩ nhiên, ngày nay, có luật nghi lễ mới mà Giáo Hội đề ra như giữ chay, kiêng thịt, tham dự thánh lễ,… Các luật này có tác dụng hỗ trợ luật luân lý hoặc giúp thực hành việc thờ phượng. Nhưng nó có thể bị Giáo Hội bãi bỏ hoặc thay đổi tùy thuộc vào tình hình. Ví dụ như đợt dịch thì luật tham dự thánh lễ được miễn hoặc thay thế bằng lễ online, hoặc luật giữ chay kiêng thịt ngày trước rất ngặt (suốt mùa chay) thì ngày nay chỉ còn vài ngày,…
Luật công lý tương tự như luật pháp dân sự bao gồm các án phạt về các tội phạm như trộm cắp, gi.ết người, ngoại tình,… Luật này cũng có tác dụng hỗ trợ việc thực thi luân lý và giữ ổn định xã hội. Luật này thì còn bị thay đổi từ trước khi Chúa Giê-su đến. Thực tế, luật này tùy thuộc nhà cầm quyền quyết định. Trong Giáo Hội ngày nay, các luật như vạ tuyệt thông, các chế tài,… là thuộc loại luật này.
Như vậy, chỉ một mình luật luân lý là bất biến, vĩnh cửu, các luật khác đều có thể thay đổi tùy thuộc tình hình và thẩm quyền, bởi lẽ các luật đó chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Câu nói của Chúa Giê-su chính là ý này: kiện toàn việc hiểu và thực thi luật luân lý (thực thi vì mến Chúa yêu người chứ không phải chỉ biết lề luật), các luật khác cũng được biến đổi để bảo đảm chúng hỗ trợ được người ta thực thi luật luân lý cho trọn vẹn.
Với cách hiểu này, chúng ta hiểu được tại sao Chúa và các tông đồ đã thay đổi một phần lớn các điều luật từ Cựu Ước. Cũng với cách hiểu này, chúng ta phải thoát ra khỏi não trạng chỉ chăm chăm biết luật, thay vào đó ta phải hiểu được tinh thần và mục đích của luật. Thay vì hỏi “làm cái này có tội không?” thì hãy hỏi “vì sao nên hay không nên làm điều này?”. Như vậy chúng ta mới thực sự là con Thiên Chúa, hiểu và thực thi ý Cha mình chứ không phải là nô lệ, chỉ chăm chăm theo luật vì sợ bị chủ phạt.
JJB.

Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.

Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments