Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
Google search engine
HomeThư việnGiáo lýHội nhập văn hóa có trái với Kinh Thánh không?

Hội nhập văn hóa có trái với Kinh Thánh không?

Đáp: Ở một mức độ không làm giảm giá trị Tin Mừng, thì là không.
Kỳ thực việc xây dựng giáo lý đức tin đúng đắn trên cái nền ngoại giáo một cách có chọn lọc đã được thánh Phaolô thực hiện ngay trong Hội Thánh đầu tiên. Mình đọc lại tường thuật quen thuộc là Phaolô truyền giáo tại Athens:
“Trong khi ông Phao-lô đợi hai ông ở A-thê-na, ông nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần… Có mấy triết gia thuộc phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ cũng trao đổi với ông. Kẻ thì nói: “Con vẹt đó muốn nói gì vậy?” Người khác lại bảo: “Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ”, vì ông Phao-lô loan báo Tin Mừng về Đức Giê-su và về sự Phục Sinh…
Đứng giữa Hội đồng A-rê-ô-pa-gô, ông Phao-lô nói: “Thưa quý vị người A-thê-na, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người SÙNG ĐẠO hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy ĐẤNG QUÝ VỊ KHÔNG BIẾT MÀ VẪN TÔN THỜ, THÌ TÔI XIN RAO GIẢNG CHO QUÝ VỊ.
Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu, như một thi sĩ của quý vị đã nói: “Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.” (Cv 17, 16-28)
——————————————————
Phaolô trích dẫn câu “chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” từ một triết gia tên là Epimenides trong tác phẩm Cretica, và câu “Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người” là từ một thi sĩ tên Aratus trong tác phẩm Phaenomena. Khi chúng ta đọc lại bản gốc của hai tác phẩm này, thì có một điều bất ngờ: vị Thần Linh mà hai tác giả ngoại giáo này đang đề cập chính là thần Zeus – thần tối cao của người Hy Lạp! Và Phaolô đã vận dụng các hình ảnh này để hướng người dân thành Athens đến với Thiên Chúa đích thực.
Trình thuật Phaolô tại Athens cho thấy một số điều cốt lõi của sự hội nhập văn hóa. Trước nhất, Phaolô dùng những gì thuộc nền văn hóa của họ để mở lòng trí họ, để mở đường cho họ đến với Tin Mừng Đức Kitô. Nhưng điều quan trọng là hội nhập không đồng nghĩa với sự nhân nhượng, lược bỏ bớt Tin Mừng cho khớp với văn hóa, hoặc là du nhập hết những yếu tố văn hóa mà lại không phù hợp với tinh thần Tin Mừng.
Các yếu tố văn hóa chỉ là nền tảng ban đầu để giúp người bản địa tiếp cận hữu hiệu hơn với chân lý cứu độ toàn vẹn, như Phaolô tuy tôn trọng và khen những người thờ thần ngoại là sùng đạo, nhưng đã không làm giảm giá trị của Tin Mừng: “Quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.”
————————
Bạn có biết: Chữ “Thiên Chúa/Đức Chúa Trời” có nguồn gốc từ Nho Giáo, và là một nỗ lực hội nhập văn hóa?
Hiển nhiên ngày nay chúng ta biết chữ God dịch nghĩa ra là Thiên Chúa hay Đức Chúa Trời, nhưng nếu chúng ta đặt bản thân là một nhà truyền giáo từ phương Tây đến vùng đất Á Đông, thì vấn đề không giản đơn chút nào.
Cha Matteo Ricci Dòng Tên khi tiến hành công cuộc truyền giáo tại đất Trung Hoa vào thế kỷ 16, thì việc đầu tiên của ngài là tìm cách dịch chữ God – Thần Linh của Abraham – sang tiếng Hoa. Trong Nho giáo và Đạo giáo, có hai chữ được dùng để chỉ thần linh là Thượng Đế (Shang-ti, 上帝) và Thiên (天). Những chữ này còn có thể được dùng để chỉ tổ tiên hoặc các thần thổ địa. Cha Ricci nhận thấy chữ Thượng Đế không phù hợp để miêu tả Thần Linh của Kitô giáo, còn chữ Thiên thì lại không đầy đủ. Thế là cha ghép thêm chữ Chúa vào thành chữ Thiên Chúa (天主) như chúng ta có ngày nay.
Chữ này khớp với văn hóa Á Đông vốn xem Thần Linh thì ngự ở trên các tầng mây. Sau đó, khi mà linh mục Alexandre de Rhodes đến Việt Nam, thì ngài thuần việt hóa chữ Thiên Chúa thành Đức Chúa Trời.
Tham khảo thêm:
– Đức Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio
– Joe Cassady, Matteo Ricci and His Process of Evangelization
Tổng hợp
Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.
Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments