Thứ Sáu, Tháng Bảy 26, 2024
Google search engine
HomeThư việnGiáo lýGiáo Hội Tông Truyền là gì ?

Giáo Hội Tông Truyền là gì ?

Một vấn nạn được đặt ra ngày nay là liệu Giáo Hội Công giáo có còn là Giáo Hội xưa kia được Chúa Giêsu thiết lập và điều hành bởi các tông đồ và các vị kế nhiệm hay không?
Chúng ta tuyên xưng rằng Giáo Hội Công giáo mãi bất diệt, và chính là Giáo Hội xưa kia Chúa Giêsu mong muốn thiết lập trên nền móng các thánh tông đồ và các đấng kế vị. Trước hết, ta có thể dựa vào các bản văn Tin Mừng để xác quyết điều đó. Ngoài câu nói của Chúa Giêsu “…cửa hoả ngục sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18), thì cũng phải chú ý đến lời của Chúa trong bữa tiệc ly “các con hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”. Điều này chính là việc bẻ bánh, tức là thi hành bí tích Thánh Thể. Chúa lại nói “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Tổng hợp lại, ta có thể nói rằng: chúng ta đang sống trong thời đại cuối cùng, đây là điều không ai chối cãi. Và mệnh lệnh của Chúa Giêsu là hãy cử hành bẻ bánh cho tới tận cùng thời gian. Hãy cử hành phép Thánh Thể cho tới khi Người quay lại. Vì thế, Giáo Hội của Chúa cũng phải luôn tồn tại từ giờ đây cho tới ngày Chúa quang lâm. Do đó, dựa vào Thánh Kinh, và dựa vào thực tế chỉ có Giáo Hội Công giáo là có cử hành lễ bẻ bánh như một nghi lễ, vừa tưởng nhớ việc Chúa đã làm, vừa hiện tại hoá hy tế của Chúa trên thập giá, lại vừa trông ngóng bàn tiệc nước trời trong tương lai, ta tin chắc rằng đây chính là Giáo Hội của Chúa Giêsu, được điều hành bởi các thánh tông đồ và các đấng kế vị.
Giáo Hội này là tông truyền, vì Giáo Hội có Kinh Thánh. Mà Kinh Thánh lại là lời của Thiên Chúa, được viết ra dựa trên ký ức sống động của các tông đồ về Chúa Giêsu. Những ký ức ấy, ta lại gọi “đó là Lời Chúa”. Tông truyền còn ở chỗ Giáo Hội thừa kế những bí tích do Chúa thiết lập, và một số bí tích khác do các tông đồ truyền lại mà ra. Bí tích do Chúa thiết lập chắc chắn là Rửa Tội, Thánh Thể và Giao Hoà. Bí tích Thêm Sức bắt nguồn từ việc đặt tay của các tông đồ, trong Chúa Thánh Thần, trên ông Matthias để thay thế Judas. Bí tích Xức Dầu Thánh do thánh Giacobe giới thiệu (Gcb 5, 14). Còn Hôn Phối từ khởi thủy, theo thánh ý của Chúa, luôn là điều thánh thiêng.
Lễ truyền chức
Sự tông truyền của Giáo Hội còn ở chỗ phẩm trật, tức là sự kế vị các tông đồ. Giáo Hội là Chúa Kito nối dài, và các tông đồ cùng các đấng kế vị lại tiếp tục nối dài ra thêm nữa, để xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kito, từ lúc Chúa thiết lập cho tới khi Chúa quang lâm.
Ngày nay chúng ta dùng chữ “giám mục” để chỉ các đấng kế vị các tông đồ. Một số người cho rằng các ơn thiêng Chúa Giêsu ban cho các tông đồ trước khi về trời chỉ giới hạn ở các ngài mà thôi, không thể truyền đi được. Tuy nhiên, Thiên Chúa là Chúa kẻ sống, và Chúa Giêsu xây dựng Giáo Hội của Người trên những viên đá sống động, và sẽ luôn sống động mãi tới tận thế. Nền tảng của các tông đồ sẽ mãi còn cho tới cánh chung. Trong Cựu ước ta có ông Moses đã chọn ông Joshua làm người kế vị lãnh đạo dân Israel. Nay cũng thế, các tông đồ cũng có người kế vị lãnh đạo dân Chúa.
Sự kế vị có thể được nhìn thấy trong Tân ước. Thánh Matthias được chọn để thay thế Judas. Thánh Phaolo cũng được gọi là tông đồ dân ngoại, mà thánh nhân lại chưa hề gặp gỡ Chúa Giêsu khi Người còn ở thế gian. Ngoài ra, còn có thánh Barnaba cũng được gọi là tông đồ. Thánh Phaolo cũng đã đặt hai người, là thánh Timothe làm lãnh đạo ở Epheso, và thánh Tito làm lãnh đạo ở Creta. Như vậy, ta có thể thấy quyền điều khiển Giáo Hội đã được trao đi cho các người kế vị. Tuy không nhắc đến các tông đồ trong nhóm 12, nhưng ta tin chắc trước khi qua đời các ngài đã có người kế vị đường hoàng. Lịch sử Giáo Hội cho thấy thánh Gioan tông đồ có học trò là thánh Polycarp làm giám mục. Thánh giáo phụ Cyprian lại viết như sau: “chúng tôi phải ra sức gìn giữ sự hiệp nhất mà qua các tông đồ, Đức Kito đã trao cho chúng tôi là những người kế vị các ngài”.
Và bí tích Truyền Chức Thánh là ở chỗ kế vị tông đồ này đây. Ngoài các nghi thức tấn phong và đặt tay, thì các tân giám mục phải tuyên xưng thề trung thành rao giảng giáo lý của các tông đồ để lại. Các giám mục kế vị các tông đồ ở ba chức năng, đó là rao giảng, tế lễ và quản trị, cũng chính là ba chức vụ mỗi người Kito hữu được thông phần với Chúa Giêsu nhờ chịu bí tích Rửa Tội, đó là tiên tri, tư tế và vương đế.
Fx LDT
Tham khảo: Giáo Hội Học tập 2, Felipe Gomez
Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.
Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments