Thời ban đầu, Giáo Hội không có phẩm phục riêng cho phụng vụ, gần như thời bấy giờ các giám mục, linh mục và phó tế đều mang trang phục thường ngày khi cử hành thánh lễ. Đặc biệt trong thời kỳ bị bách hại, các giám mục lẫn giáo dân đều phải lẩn trốn và dâng lễ lén lút thì càng không ai để ý tới vấn đề trang phục phụng vụ. Nói chung từ khởi đầu cho đến đầu thế kỷ thứ 4 không có ghi nhận về trang phục phụng vụ trong Giáo Hội. Từ giữa thế kỷ thứ 4 là thời kỳ Giáo hội hết bị bách hại và trở thành quốc giáo, các giám mục và linh mục mang trang phục của quan chức triều đình ngay cả khi dâng lễ. Như vậy vào thời điểm này vẫn chưa có sự phân biệt giữa trang phục thông thường và trang phục phụng vụ.
Với sự lớn mạnh của các cộng đoàn, các nhà thờ được xây dựng và các nghi lễ phụng vụ được cử hành công khai, long trọng thì từ năm 380 lịch sử ghi nhận sự xuất hiện của trang phục sang trọng quí giá cho phụng vụ. Nhưng đây vẫn chưa có sự khác biệt rõ nét so với trang phục bình thường hằng ngày.
Cùng với thời gian, trang phục của dân chúng có sự thay đổi tùy theo thời gian cũng như ảnh hưởng nghệ thuật thời trang của xã hội theo từng thời kỳ. Tuy nhiên, trang phục của giám mục và linh mục thì gần như vẫn được giữ nguyên hình thức cũ, tức là trang phục của quan chức triều đình Roma trước đây. Từ lúc đó sự khác biệt giữa trang phục của dân chúng và của hàng giáo sĩ trở nên rõ nét hơn. Mặc dù trang phục phụng vụ của giám mục và linh mục cũng ít nhiều có sự thay đổi tại một số nơi và một số thời điểm, nhưng nhìn chung nó vẫn được giữ theo kiểu cũ mãi cho tới hôm nay chứ không thay đổi hoàn toàn như thời trang của dân thường.
Các trang phục chính của phụng vụ gồm có:
– Áo Alba (latinh: albus có nghĩa là trắng). Đây là chiếc áo trắng dài được các giám mục và linh mục mang bên trong áo lễ, các phó tế và các tu sĩ cũng mang áo này. Áo Alba nhắc nhở chúng ta về tấm áo rửa tội, và cũng là tấm áo trắng của những người công chính mà sách Khải Huyền mô tả. Tất cả những ai tham dự vào cử hành phụng vụ trên bàn thánh đều mang áo Alba, tuy có một chút khác biệt về kiểu cách giữa áo của linh mục với áo của phó tế và của giúp lễ.
– Dây Stola hay còn gọi là Dây các phép: Đây là dấu chỉ của chức tư tế nên chỉ có giám mục, linh mục và phó tế được mang khi cử hành Thánh Lễ hay các bí tích. Dây Stola mang ý nghĩa là “ách của Chúa Kitô” gợi lại Lời Chúa: “Anh em hãy mang lấy ách của Thầy… vì ách của Thầy êm ái và gánh của Thầy thì nhẹ nhàng” (Mt 11,29).
– Áo Lễ (latinh: Casulus – có nghĩa đen là cái lều), từ này gợi lại hình ảnh của lều hội ngộ là nơi Thiên Chúa hiện diện với dân Israel khi họ lang thang trong sa mạc sau khi rời bỏ Ai Cập (Xh 33,7). Áo Lễ bắt nguồn từ áo khoác ngoài của quan chức triều đình Roma từ thế kỷ thứ IV. Đây là một tấm áo không có ống tay. Áo Lễ có các màu khác nhau theo mùa phụng vụ giáo hội qui định. Ngày nay Áo Lễ chỉ được giáo sĩ mang khi cử hành Thánh Lễ, còn xưa kia thì đây là trang phục thường ngày của giáo sĩ cũng như của quan chức triều đình.
M. Eugenius Nguyen OCist
Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.