Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
Google search engine
HomeNhà thờHỏi đápGiang tay, chắp tay, nắm tay và chuyện luật chữ đỏ, chữ...

Giang tay, chắp tay, nắm tay và chuyện luật chữ đỏ, chữ đen?

Nhiều giáo dân có những thắc mắc về việc trong thánh lễ có một số tín hữu giang tay, chắp tay, nắm tay và chuyện luật chữ đỏ, chữ đen thì dưới đây là một bản tóm tắt câu trả lời trên.
Nhiều bạn thắc mắc: Khi đọc kinh Lạy Cha, người giáo dân có được giang tay cầu nguyện như các linh mục hay không?
Để không làm mất thời gian của nhau, câu trả lời ngắn gọn nhất tôi có thể đưa ra là: Học theo lời Đức Maria dạy: ‘Người bảo sao hãy làm vậy.’ Qui định nơi bạn ở như thế nào, hướng dẫn của các đấng bản quyền cụ thể ra sao, bạn hãy cứ làm theo vì vâng lời thì trọng hơn của lễ. Chúng ta còn có nhiều vấn đề cấp thiết hơn, cần phải mổ xẻ và thảo luận, chẳng hạn như: Làm thế nào để phát triển Giáo hội, làm thế nào để người ta biết đến Chúa, làm thế nào để người ta yêu mến Chúa hơn.
Thành ra, dù là thánh nhạc, phụng vụ hay bất kể vấn đề gì mà ai đưa lên cũng không quan trọng bằng vấn đề làm thế nào để vinh danh Chúa hơn. Nếu cha xứ cho phép giang tay khi đọc kinh Lạy Cha trong thánh lễ thì bạn có thể làm. Nếu ngài cho rằng Luật chữ đỏ không cho phép thì thôi, mình nghe lời thì tốt hơn là tranh luận. Nhiều khi nói nhiều quá lại trở thành tranh cãi, chẳng đưa đến đâu. Nếu bạn vẫn thích giang tay thì khi cầu nguyện cá nhân, bạn có thể giang thoải mái mà không ai nói gì.
Và nếu có thời gian, thì mời bạn đọc tiếp để tham khảo ý kiến cá nhân của tôi. Xin nhớ, đây chỉ là những suy nghĩ vụn vặt của cá nhân mà thôi.

1. Ý nghĩa của luật:

Luật là thứ tối thiểu cần phải làm, không phải là thứ tối đa được phép làm. Thành ra nếu ai đó khăng khẳng nhấn mạnh Luật không có nói đến có nghĩa là mình không được phép làm thì tôi thấy không có ổn. Đằng khác, nếu ai đó tùy hứng sáng tạo lố quá sức và viện dẫn luật không cấm thì tôi thấy cũng không hề ổn.
Tông thư Desiderio Desideravi về đào tạo phụng vụ cho Dân Thiên Chúa số 49 giải thích rõ hơn điều tôi muốn nói: Cử hành phụng vụ là lúc tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hóa, để các tín hữu, khi tham dự, có thể cảm nghiệm mầu nhiệm ấy trong cuộc sống. Nếu không có sự hiểu biết này, việc cử hành có thể chỉ bận tâm đến hình thức bên ngoài (hơn kém về mức độ tinh tế) hoặc quan tâm đến luật chữ đỏ (hơn kém về tính cứng nhắc).
Hoặc số 48 nói rõ: Không được giản lược nghệ thuật cử hành phụng vụ ars celebrandi vào thái độ tuân giữ cách máy móc các luật chữ đỏ, càng không được coi đó là sáng tạo – có khi là bừa bãi -, không có quy tắc.
Nói cách khác, tôi thích con đường trung dung, uyển chuyển hơn là thái độ vụ luật cực đoan hoặc thái độ quá phóng khoáng thái quá trong chuyện lễ nghi.

2. Ý kiến chủ quan tôi thấy người Công giáo Việt Nam mình trọng sự trang nghiêm.

Lễ nghi là phải chuẩn mực, đâu ra đấy, đứng ngồi thẳng hàng, hành động nhất nhất đồng loạt. Tuy nhiên, tôi cũng thấy tùy vào bối cảnh văn hóa, khí hậu, và nhiều yếu tố vùng miền, quốc gia mà cảm thức về sự thánh thiêng, về thế nào mới đúng là tham dự phụng vụ lại có tính tương đối. Ví dụ, tôi dự lễ với người châu Phi, với người Indo thấy họ rất thích ca hát, múa nhảy ( nghĩa tốt) trong thánh lễ. Hay như xem các thánh lễ của anh chị em sắc tộc trên Tây Nguyên, tôi cũng thấy bầu khí nó khác khác với người Kinh mình. Hiểu và biết sự khác biệt ấy sẽ dễ dàng cho tôi biết mình cần phải có chuẩn bị như nào khi tham dự phụng vụ cho phù hợp với điều kiện cụ thể. Nói theo ngôn ngữ của ông bà mình: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

3. Người giáo dân có được giang tay, nắm tay nhau hay không

Gần đây ở bên Philippines cũng xảy ra tranh luận trên khắp các diễn đàn Công giáo về chuyện khi đọc kinh Lạy Cha trong thánh lễ, người giáo dân có được giang tay, nắm tay nhau hay không. Chủ đề này làm nóng khắp nơi.
Người thì bảo là không được giang tay hay nắm tay nhau vì luật chữ đỏ không cho phép. Đọc kĩ ra thì chẳng thấy chỗ nào nói là không cho phép, chỉ là không đề cập tới. Người khác lại bảo, không đề cập có nghĩa là không được làm.
Người khác khăng khăng: Chỉ linh mục mới được giang tay.
May mắn thay, ngày 16 tháng 7 năm 2023, ủy ban phụng vụ của Hội đồng Giám mục Công giáo Philippines đã ra thông báo làm rõ rằng các tín hữu có thể thực hiện một trong hai tư thế khi đọc Kinh Lạy Cha.
“Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma không cấm cũng không quy định việc giơ tay hay nắm tay nhau khi đọc Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ,” Đức Tổng Giám Mục Capiz Victor Bendico, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục CBCP về Phụng Vụ, cho biết trong thông tư.
“Vì Sách lễ im lặng về vấn đề này, nên việc cấm hoặc quy định nó đều đi ngược lại mục đích của hướng dẫn.”
Đức Tổng giám mục Bendico cũng nhắc nhở người Công giáo Philippines thực hiện “sự tôn trọng chân thành” đối với cách người khác chọn cử chỉ của họ trong khi cầu nguyện.
Lý do thì có nhiều, nhưng quan trọng là tinh thần huynh đệ, tôn trọng lẫn nhau khi cử hành phụng vụ.
Nhưng nói chuyện để biết vậy thôi, chứ đừng ai lôi lá thư của các đấng bên phi về Việt Nam kẻo lại bị vặn: Sang đó mà ở.
Ý tôi muốn nói là mỗi nơi người ta có cách tiếp cận vấn đề khác nhau, và nếu cho chọn thì tôi chọn cách nhân văn hơn là căng cứng với luật đỏ luật đen.

4. Phụng vụ

Là một thể sống động, có biến thiên, có phát triển theo từng giai đoạn từng thế hệ từng nền văn hóa. Nói đâu xa, tưởng tượng các tín hữu 2000 trước mà được sống lại bây giờ và tham dự thánh lễ ở nhà thờ chánh tòa Sài gòn chắc họ không thể hiểu được chuyện gì đang diễn ra với cách cử hành phụng vụ mà họ vốn quen biết. Thành ra mình biết vậy để đừng có quá cứng nhắc cho rằng phụng vụ là dừng lại ở chuyện luật và qui định. Dĩ nhiên, có sáng tạo, có hội nhập văn hóa cũng cần có thử nghiệm trong tinh thần cẩn trọng, tôn trọng qui định chung. Không quá thế này mà cũng không quá thế kia, làm sao cho vừa hợp tình hợp lý thì chắc cũng ổn.

Bốn điều nhỏ tâm sự cùng bạn bè quen biết về những chuyện gần đây.
Sách lễ Công Giáo

Duc Trung Vu Cssr

Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.

Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments