Trong Thánh lễ Công Giáo, việc truyền phép bánh và rượu được đánh dấu bằng việc nâng Bánh thánh và Chén thánh.
Sau khi việc nâng cao Bánh thánh và Chén thánh được đưa vào Thánh lễ từ thế kỷ XIII, một trong những cử chỉ đáp lại phổ biến nhất của giáo dân tham dự là cúi đầu tôn kính. Đó là một hành động biểu lộ lòng tin rằng Chúa Giêsu thật sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
Vào thế kỷ XVI, cử chỉ này đã được các công đồng khác nhau quy định và trở thành một cách thức chuẩn mực.
Bên cạnh đó, Thánh Giáo Hoàng Piô X đã đề xuất một cách thức khác. Ngài khuyến khích các tín hữu ngước lên nhìn ngắm và tôn thờ Mình và Máu Thánh Chúa.
Thánh Giáo Hoàng Piô X đã ấn định một ân xá cho bất cứ tín hữu nào khi nói “Lạy Chúa! Lạy Thiên Chúa của con” khi ngước lên ngắm nhìn Mình và Máu Thánh Chúa nâng cao trong Thánh lễ hoặc khi chầu Thánh Thể, với đức tin, lòng mến và các điều kiện khác như thường lệ.
Nhiều người Công Giáo cầu nguyện “Lạy Chúa! Lạy Thiên Chúa của con” khi nhìn lên Mình Thánh Chúa được nâng cao và cầu nguyện “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con” khi nhìn lên Máu Thánh Chúa được nâng cao. Chúng ta có thể cúi đầu khi linh mục quỳ gối sau mỗi lần nâng cao Bánh thánh và Chén thánh.
Tùy mỗi người, các tín hữu có thể cúi đầu hay ngước lên khi Mình Máu Chúa được nâng cao. Cả hai cử chi này khi thực hiện với đức tin có thể giúp chúng ta gia tăng tình yêu với Thiên Chúa.
Không có cử chỉ nào là sai, vì phụ thuộc vào niềm tin của mỗi cá nhân xem cử chỉ nào là tốt nhất để thể hiện lòng tôn kính của mình với Thiên Chúa.
Dù làm gì đi nữa, bạn hãy lưu tâm đến cử chỉ của mình khi thể hiện lòng cung kính dành cho Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể.
Tổng hợp
Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.