Lần 1: Đầu lễ – có ý nghĩa như một lời tuyên xưng rằng: Đây là cộng đoàn những người tin đang tụ họp nhân danh Chúa, cùng nhau thờ phượng Chúa và có Chúa hiện diện, bởi Ngài đã hứa: “Ở đâu có hai hay ba người tụ họp lại nhân Danh Thầy, thì có Thầy ở đó giữa họ” (Mt 18,20).
Lần 2: Trước khi công bố Tin Mừng – Lời mời gọi mọi người chú ý lắng nghe Lời Chúa, và tuyên xưng rằng Lời được đọc là Lời Chúa. Mà như Giáo Hội đã dạy: “Lời Chúa là chính Chúa” (DV 24).
Lần 3: Trước Kinh Tiền Tụng và Kinh Nguyện Thánh Thể – Lời tuyên xưng sự hiện diện của Chúa khi các môn đệ cử hành bẻ bánh, và nhất là xác tín rằng, quyền năng biến bánh rượu thành Mình Máu Thánh là từ nơi Chúa chứ không phải tự linh mục.
Lần 4: Trước khi chúc lành cuối lễ và sai đi – Lời tuyên xưng rằng phép lành linh mục ban là của Chúa. Chúa ở cùng chúng ta mọi lúc và đặc biệt khi các tín hữu lên đường truyền giáo “Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Cũng cần lưu ý rằng, câu xướng kết lễ: Ite, missa est! mà các bản dịch thường là : “Lễ xong chúc anh chị em đi bình an” không phải là câu chào chúc xã giao kết lễ. Trái lại, đó là một mệnh lệnh sai đi rất quyết liệt.
– Ite (mệnh lệnh cách): Hãy ra đi, hãy lên đường.
– Missa est: Thánh lễ đã xong. Có vị dịch cụm từ này là “đây là sứ vụ”
Như vậy, sau khi được đón nhận Chúa cách cụ thể trong Thánh Thể, các tín hữu được mời gọi và sai đi mang Chúa đến cho mọi người. Nghi thức Thánh Lễ kết thúc, nhưng cuộc đời tín hữu phải là Thánh Lễ nối dài với hy sinh, cầu nguyện và làm chứng cho Chúa. Và đó là một sứ vụ.
Từ ý nghĩa này chúng ta có thể suy ra rằng, những ai tự ý bỏ về (vì những lý do không quan trọng) trước khi linh mục công bố lời sai đi là những người “đào ngũ”. Họ không muốn được sai đi, không muốn làm sứ giả chứng nhân của Chúa.
M. Hạnh Tử
Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.