Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
Google search engine
HomeNhà thờHỏi đápNgười Công Giáo có được ăn đồ cúng không?

Người Công Giáo có được ăn đồ cúng không?

Có rất nhiều thắc mắc của các bạn Công Giáo hỏi người Công Giáo có được ăn đồ cúng không khi gia đình bố hoặc mẹ là đạo khác có cúng, hay đi làm công ty cúng để làm ăn…Dưới đây là câu trả lời để các bạn hiểu biết thêm về việc ăn đồ cúng.
Trước tiên, chúng ta xem Thánh Phao-lô nói gì về việc ăn đồ cúng trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô, chương 8 đến hết chương 10.
Đồ cúng
Một số nguyên tắc mà thánh nhân nói tới là:
1. Việc cúng bái như thế là vô nghĩa vì chỉ có một vị Thần duy nhất là Thiên Chúa. Đồ cúng cho các vị thần thánh khác chỉ là cúng cho các ngẫu tượng, tưởng tượng mà thôi. Do đó, các của ăn đó chả có vấn đề gì cả. Chúng ta có quyền tự do hưởng dùng các thức ăn vì đó là do Thiên Chúa ban cho con người. Vì thế, ta cứ tạ ơn và ăn mà không cần lo lắng gì.
“Vậy, về việc ăn thịt cúng, chúng ta biết rằng ngẫu tượng chẳng là gì trên thế gian, và cũng chẳng có thần nào ngoài Thiên Chúa độc nhất.” (1 Cr 8, 4)
“Tất cả những gì bán ngoài chợ, anh em cứ việc ăn, không cần phải đặt vấn đề lương tâm, bởi vì trái đất và muôn vật muôn loài trên trái đất đều là của Chúa. Nếu có người ngoại nào mời anh em và anh em muốn đi, thì cứ ăn tất cả những gì người ta dọn cho anh em, không cần phải đặt vấn đề lương tâm.” (1 Cr 10, 25-27)
2. Tuy nhiên, có một số anh em, nhất là tân tòng, đức tin chưa vững. Họ không có hiểu biết giống như chúng ta. Vì thế, khi họ thấy mình ăn đồ cúng thì họ tưởng rằng chúng ta cũng đang tôn thờ các thần khác, cho rằng việc thờ cúng các thần khác là được phép và như thế lương tâm họ bị tổn thương. Vì đức ái, chúng ta không nên ăn nếu có nguy cơ đó (có người chưa hiểu vấn đề ở đó).
“Nhưng không phải mọi người đều hiểu biết như vậy đâu! Có một số người từ trước đến nay đã quen thờ ngẫu tượng, nên khi ăn các thức ấy thì cứ tưởng làm như vậy là ăn của cúng; và lương tâm yếu đuối của họ đã ra ô uế… Thật vậy, nếu có ai thấy bạn là người hiểu biết mà lại ngồi dự tiệc trong đền trong miếu, thì lương tâm của người yếu đuối ấy lại chẳng dựa vào đó mà ăn của cúng sao? Thế là sự hiểu biết của bạn làm hư mất một người yếu đuối, một người anh em mà Đức Ki-tô đã chịu chết để cứu chuộc! Như vậy, phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm yếu đuối của họ là phạm đến Đức Ki-tô!” (1 Cr 8, 7. 10-12)
3. Một trường hợp khác là việc ăn đồ cúng đó làm chúng ta thể hiện sự tán đồng, hiệp thông với việc thờ ngẫu tượng thì cũng không được ăn. Ví dụ như khi một người đưa đồ cúng cho chúng ta ăn và bảo ăn đi để nhận lộc thánh và chúng ta vẫn ăn thì chúng ta đã gây ngộ nhận mình đang tôn thờ và xin lộc vị thần thánh đó. Thậm chí, chúng ta cũng không được phép hiệp thông bẻ bánh với các nhánh Tin Lành cũng là cùng nguyên tắc này. Vì khi tham gia tích cực vào việc đó, chúng ta tham gia tích cực vào việc thờ phượng của họ và ngầm thừa nhận hành vi đó là đúng.
“Nhưng nếu có người bảo: “Đây là của cúng”, thì anh em đừng ăn, vì người ấy -kẻ đã báo trước cho anh em- và vì vấn đề lương tâm.” (1 Cr 10, 28)
“Những ai ăn tế phẩm, há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao? Thế nghĩa là gì? Thịt cúng là gì? Ngẫu tượng là gì? Tuy nhiên, đồ cúng là cúng cho ma quỷ, chứ không phải cho Thiên Chúa; mà tôi không muốn anh em hiệp thông với ma quỷ. Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được.” (1 Cr 10, 18-21)
Như vậy, chúng ta không bị cấm ăn đồ cúng vì thực ra đồ cúng cũng là đồ ăn bình thường, chẳng có thần thánh nào ban phép hay làm gì trên thức ăn đó cả. Khi ăn hãy tạ ơn Chúa rồi ăn. Tuy nhiên, nếu việc ăn đó bao hàm việc hiệp thông với nghi lễ thờ phượng hoặc nó làm người chưa hiểu biết hiểu lầm rằng người Công Giáo vẫn thờ các thần khác thì chúng ta không được ăn. Lý do không được ăn ở đây không phải vì bản chất của đồ cúng mà là vì ý nghĩ của con người.
Cũng như Chúa Giê-su đã nói: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.” (Mc 7, 15)
Thật vậy, tự bản chất đồ ăn từ bên ngoài không thể làm chúng ta mắc tội. Cái làm chúng ta mắc tội là suy nghĩ của chính chúng ta (cái bên trong) khi chúng ta hiệp thông với việc thờ phượng các thần khác, khi chúng ta ham ăn mà gây ra hiểu lầm về đạo, gây tổn thương cho lương tâm của anh em mình.
Nguồn: Tổng hợp
Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi hoặc của tác giả cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.
Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments