Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
Google search engine
HomeNhà thờHỏi đápTại sao Chúa Giêsu lại nói "người giàu khó vào Nước Trời"?

Tại sao Chúa Giêsu lại nói “người giàu khó vào Nước Trời”?

HỎI. Tại sao Chúa Giêsu lại nói “người giàu khó vào Nước Trời”, chẳng phải giàu có cũng là hồng ân của Chúa sao?
ĐÁP.
Vì giàu có là nguy cơ khiến người ta bám vào của cải, tìm cùng đích cuộc đời nơi vật chất mà lãng quên Thiên Chúa và tha nhân. Kế đó, giàu có trí tuệ cũng là nguy cơ khiến người ta kiêu ngạo và cố chấp trong lập trường riêng mà không mở lòng ra cho ánh sáng chân lý.
Không phủ nhận rằng giàu có là ơn Chúa ban, và rất nhiều người giàu quảng đại, sẵn lòng đóng góp làm bác ái, cũng như việc xây dựng giáo xứ, giáo hội. Đây là những điều rất đáng ghi nhân và khen ngợi. Tuy nhiên, giàu có vẫn luôn là một nguy cơ khiến người ta tha hóa, tìm kiếm sự thỏa mãn và sự đảm bảo nơi vật chất mà lãng quên Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về người phú hộ giàu có, thu hoạch được nhiều hoa màu. Ông dự định đập các kho cũ, xây thêm kho mới lớn hơn để tích trữ hoa màu. Rồi ông tự nói với lòng: „Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!“. Rồi Chúa Giêsu chốt: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó (sẽ chết và của cải rơi vào tay người khác).” (Lc 12,13-21)
Hình minh họa
Một thực tế có lẽ mọi người đều thấy trong thế giới ngày nay, là ở các nước giàu, các thành phố giàu và nhiều người giàu thì đời sống vật chất thật cao, nhưng đời sống đạo đức và luân lý tôn giáo lại xuống dốc. Giàu có giúp người ta có điều kiện hưởng thụ cuộc sống, dần dà nó khiến người ta cảm thấy thỏa mãn. Rồi khi đã cảm thấy thỏa mãn và đầy đủ, người ta có xu hướng bám vào của cải, sợ mất đi sự sung sướng nên suốt ngày chỉ bận tâm lo nghĩ việc làm giàu và hưởng thụ. Kèm theo đó, sự no đủ phần xác khiến người ta bớt quan tâm đến phần thiên liêng. Người giàu có khó vào Nước Trời không phải vì giàu là cái tội, mà đúng hơn, vì sự giàu có vật chất khiến người ta không còn khao khát Nước Trời thiêng liêng nữa, tức là người ta không muốn vào chứ không phải Chúa không cho vào.
Tương tự như vậy là sự giàu có trí tuệ. Những người thông minh mà không khiêm tốn có nguy cơ để lòng trí đầy ắp những luồng tư tưởng, những mớ lý thuyết mà họ cho là đúng rồi khăng khăng bám chặt vào đó, tới mức không thể mở lòng ra đón nhận chân lý của Tin Mừng.
Hình minh họa
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nói: „Phúc cho ai nghèo khó, vì Nước Trời là của họ“ (Mt 5,3). Ở một nơi khác, Chúa Giêsu ca tụng Chúa Cha vì „đã mặc khải Nước Trời cho những người bé mọn“ (Mt 11,25). Và khi chọn các môn đệ, Chúa Giêsu cũng đã không chọn các bậc khôn ngoan thông thái, mà chọn những người bình dân ít học. Tại sao như vậy? Có phải Ngài chọn người bình dân để dễ dụ, dễ bảo không? Thưa không phải, mà vì những người khôn ngoan thông thái, các rabbi Do Thái là những người „giàu về tư tưởng“. Họ học cao biết nhiều, rồi khư khư báo vào những gì đã học, xem đó như chân lý, mà không mở lòng ra đón nhận giáo lý mới mẻ của Chúa Giêsu – giáo lý về Nước Trời. Trái lại, những người bình dân ít học, sẽ mở lòng ra cho những điều mới mẻ.
Tóm lại, giàu có không phải là tội khiến người ta không vào Nước Trời được, nhưng nó có nguy cơ trở thành vật cản trở. Người giàu có vật chất thì có nguy cơ rơi vào hưởng thụ và thỏa mãn với đời sống vật chất mà không cảm thấy cần ơn cứu độ cho linh hồn. Sự sung sướng của thân xác khiến lòng họ ra nặng nề và không còn cảm nhận nhu cầu thiêng liêng. Còn sự giàu có trí tuệ có nguy cơ khiến người ta cố chấp và khép mình lại trong những lý thuyết mà họ cho là chân lý, để rồi bịt tai, nhắm mắt không lắng nghe, không đón nhận chân lý Tin Mừng. Họ cảm thấy lý thuyết của họ hay hơn, đúng hơn, còn Tin Mừng là cái gì đó nực cười vớ vẩn, và do đó, họ không vào được Nước Trời.
M. Hạnh Tử
Cũng nên nhắc lại ở đây: Tôi không phải là chuyên gia về giáo luật, phụng vụ hay là nhà nghiên cứu văn hóa. Quan điểm của tôi cũng không phải là tuyệt đối vì còn nhiều thiếu sót. Xin sẵn lòng lắng nghe các tiếng nói phản biện trong tinh thần đi tìm chân lý và sự thật để cùng nhau học hỏi và trân trọng di sản văn hóa của Đạo Công giáo trong lòng dân tộc Việt Nam.
Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments