Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
Google search engine
HomeChưa phân loạiTại sao đi lễ?

Tại sao đi lễ?

Em ạ quê ta tháp giáo đường
Sáng chiều vẫn vọng những hồi chuông
Ai đi xem lễ tôi đi với
Gió đạo lời kinh tỏa vấn vương
(Hồ Dzếnh)
Sáng Chúa nhật nọ, một bà mẹ đánh thức con trai và nói với cậu đã đến giờ đi lễ. Cậu ừ hử vặn vẹo người khó chịu. Mười phút sau bà quay lại: “Ra khỏi giường ngay và đi lễ nào”. Cậu nhăn nhó: “Mẹ! Con không muốn. Nó nhàm chán quá. Tại sao con phải băn khoăn về chuyện này chứ?” Bà trả lời: “Vì hai lý do. Thứ nhất con biết con phải đi lễ Chúa nhật. Thứ hai, con là giám mục giáo phận.”
Thánh Lễ truyền chức phó tế
Có lẽ,  nào đó, không nhiều thì ít, chúng ta cảm thấy chán nản khi đến nhà thờ đi lễ. Nhất là sau một thời gian dài ở nhà vì covid. Tại sao tao phải đi lễ cơ chứ? Có khi chỉ vì ta sinh ra trong một gia đình có đạo. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên chúng ta đi lễ. Và ta cũng đi lễ. Thế thôi. Có khi cũng chỉ như một thói quen.v.v. Có nhiều lý do. Nhưng nếu chỉ nhàm chán, đơn điệu, tẻ ngắt. Bản thân tôi ở tu viện ngày nào cũng đi lễ. Đôi khi vẫn băn khoăn. Ngày nào cũng đi lễ, ngày nào cũng như ngày nào. Vậy thì điều gì làm nên sự khác biệt của một ngày, của một Thánh lễ? Hay hỏi như vị giám mục trên đây thì tại sao ta lại phải đi lễ?
Để trả lời cho câu hỏi này, cha Timothy Radcliffe dòng Đa Minh viết một cuốn sách tựa đề Tại sao đi lễ? Tôi không có ý kể ra đây. Không chắc bạn đọc hết được cuốn sách 400 trang này. Tuy nhiên, tôi có thể kể ra đây một lý do. Một trong những câu trả lời đó là để tạ ơn. Không phải ngẫu nhiên mà Thánh lễ còn có một tên gọi khác là Lễ Tạ ơn. Phải, Thánh lễ là Tạ ơn. Là thời gian chúng ta tạ ơn Chúa. Vì những gì Người ban cho ta.
Ngày xưa con người sống giữa thiên nhiên. Họ cần mẫn lao tác với nương rẫy ruộng đồng. Con người trong im lặng cần mẫn lao tác và nhận biết mình phải cậy dựa vào Trời, vào Chúa. “Lạy trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cày. Cho đầy nồi cơm. Tôi đơm cho dễ. Tôi lễ ông trời.”
Còn ngày nay, lối sống hiện đại giữ cho người ta hiếm khi nghĩ đến gì khác ngoài những ồn ào náo nhiệt của đời sống. Người ta không còn sự thinh lặng để nhận biết những ân điển từ Chúa. Bầu trời trong xanh, không khí để thở, giọt nước mát lành.v.v. Thêm nữa, con người trong những đô thị hiện đại không trực tiếp làm ra những lương thực, hoa màu. Họ chỉ đơn thuần đến siêu thị và mua bất cứ thứ gì. Tôi có vì tôi mua. Tôi mua vì tôi có tiền. Tôi có tiền vì tôi có khả năng kiếm tiền… Tất cả đều xoay quanh tôi. Đều do bàn tay con người làm ra. Và hiếm khi có sự thinh lặng, chúng ta khó giữ được cảm thức biết ơn về Đấng ban phát mọi sự tốt lành.
Khi hỏi một cụ bà, bà được bao nhiêu con cháu. Bà trả lời, tạ ơn Chúa, tôi được tám đứa con, cháu thì nhiều lắm. Nhưng bây giờ cũng câu hỏi đó, một người trẻ sẽ không còn nhắc đến Chúa nữa.
Nhưng tạ ơn Chúa để làm gì? Ronald Rolheiser nói thế này: “Là thánh nhân có nghĩa là tràn ngập lòng biết ơn, không hơn không kém.” Còn Eckhart, một tu sĩ Đa Minh, thì nhẹ nhàng hơn: “Nếu lời cầu nguyện duy nhất của tôi là cảm ơn… như thế là đủ rồi.” Có lẽ chúng ta sẽ tự cảm nghiệm hoặc tự tìm cho mình một lời giải thích thỏa đáng, qua lời của những vị khôn ngoan, đạo hạnh này.
Nói về việc tạ ơn khi tham dự Thánh lễ, cha giáo chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm của ngài. Thường trong những dịp lễ tạ ơn linh mục, lễ khấn, lễ kỷ niệm ngày cưới hay bất cứ dịp lễ nào, chúng ta hay hô to khẩu hiệu: Tất cả là hồng ân. Hồng ân Chúa bao la. Bao nhiêu ơn lành Chúa ban cho con… Tâm tình đó là đúng. Tuy nhiên có vẻ như đó vẫn còn chung chung, mơ hồ, nặng những tính xã giao, thủ tục. Tốt hơn, chúng ta cần nghĩ đến những ơn cá nhân, riêng biệt, cụ thể và rõ ràng mà mình xúc cảm thực sự. Phải cảm nhận được vậy mới thực sự hiểu và thấm được ơn nghĩa trên cuộc đời mình.
Chia sẻ điều này trước hết tôi nhắc nhở mình, mỗi ngày tham dự Thánh lễ, cố gắng nghĩ đến ít nhất một vài ơn mình lãnh nhận được. Khi sáng sớm thức dậy, tôi thấy mình khỏe mạnh bình an, sau một giấc ngủ êm đềm. Trong kh ibiết bao con ngườ với những nỗi lo âu có khi thức trắng cả đêm, biết bao con người đang quằn quại trên những giường bệnh. Khi tôi bắt đầu một ngày mới với những bài thánh thi ca tụng Chúa thì biết bao người đang lao vào cuộc sống với cơm áo gạo tiền. Tôi nghĩ về con đường mình đi, về niềm tin, về niềm hy vọng mình có. Trong khi biết bao người đang hoang mang, không biết bám vào đâu.
Cũng sẽ còn rất nhiều điều nữa. Nhưng trong những lúc đau khổ, làm sao có thể tạ ơn nổi? Thánh Phaolô nói: “anh em hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.” Một trong những đặc tính của lòng biết ơn là ý thức mình mang ơn người khác. Ai đó giúp đỡ mình, làm ơn cho mình, giúp đỡ mình khi mình không thể tự mình làm. Những lúc đau khổ, ý thức về sự yếu đuối, bất toàn và mỏng manh của mình, chúng ta cậy dựa vào Thiên Chúa, để được Người ủi an, nâng đỡ và chữa lành.
Cuộc sống hôm nay bộn bề, ít thời gian thinh lặng. Nền kinh tế thị trường khiến người ta ngộ nhận mình có là nhờ vào khả năng của mình. Chúng ta ít có cơ hội để cảm nhận về lòng biết ơn. Và mỗi lần tham dự Thánh lễ, là một lần chúng ta tạ ơn Chúa, về những ơn lành trên cuộc đời mình. Nghĩ được như vậy, hẳn cuộc sống ta sẽ khác đi nhiều.
Fr. GB. Nguyễn Ninh, OP.
(Sinh viên thần học tại Học viện Đa Minh)
Trích trong nội san CHIA SẺ, số 109 – Năm thứ 30, tháng 3 năm 2023
Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments