Thứ Bảy, Tháng Bảy 27, 2024
Google search engine
HomeNhà thờHỏi đápLa Vang thời khói lửa chiến tranh

La Vang thời khói lửa chiến tranh

LA VANG THỜI KHÓI LỬA CHIẾN TRANH

Trong khi từng đoàn con cái Mẹ theo đoàn người tị nạn chiến tranh bỏ xứ ra đi thì lại có những người lính Việt Nam Cộng Hòa trên đường hành quân dừng chân kính viếng Đức Mẹ La Vang. Thi thoảng, một vài người lính Công giáo bước vội lên Linh đài Đức Mẹ, buông súng một bên, quỳ bên tượng Đức Bà Xuống Ơn lâm râm cầu nguyện xin ơn bình an, tin tưởng phó thác việc sinh tử trong tay Mẹ.
Chiều lễ Phục Sinh, ngày 2-4-1972, chiến sự khốc liệt giữa Cộng sản Bắc Việt và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa lan đến Thánh địa… La Vang thời khói lửa chiến tranh rung chuyển từng hồi, gồng mình chịu trận những đợt oanh kích, pháo kích, giao tranh dữ dội, bom rơi đạn nổ:
“Với chiến cuộc 1972, toàn bộ khu vực La Vang bị đổ nát. Các công trình xây dựng trước đây như Tiểu Vương Cung Thánh Đường, nhà Cha xứ, nhà Tĩnh Tâm, tu viện Mến Thánh Giá Di Loan… đều bị sụp đổ do pháo kích liên tiếp gây nên. Đền thánh tróc hết mái, còn lại ít đòn tay, rui mè đan vào nhau như một lưới nhện tả tơi… Các pho tượng Mười lăm Mầu nhiệm Mân Côi sứt mẻ. Bức tượng Chúa Giêsu Vác Thánh Giá Ngã Xuống Đất cũng bị đổ xuống. Chỉ còn nơi Linh đài Đức Mẹ hiện ra, ba cây đa đứng vững nguyên vẹn, trừ thân bên tả bị một vết xước nhỏ do một viên đạn lạc”.
Một người lính không Công giáo, là một sĩ quan trẻ mới ra trường, từ góc tường đền thờ sụp đổ, nơi trú ẩn, bất chợt nhìn thấy cây Thánh Giá vẫn còn nguyên vẹn: Chúa vẫn còn đó! Bên trái đền thờ, Linh đài Mẹ và tượng Mẹ cũng còn đó: Mẹ vẫn còn đó! Trong giây phút lắng lòng, niềm tin chợt đến, anh bước vào đền thờ, quỳ trước cung thánh sụp đổ, nhìn lên cây Thánh Giá cầu xin ơn bình an. Một phóng viên chiến trường của hãng AP tình cờ đi qua chụp được tấm hình. Ngày hòa bình vãn hồi, người ta thấy anh trở về đời sống thường dân ở thành phố Ban Mê Thuột.

Tu viện Mến Thánh Giá La Vang, nạn nhân chiến cuộc.

VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT
Trong tiêu điều vắng lặng, 9 nữ tu Mến Thánh  La Vang quyết ở lại với Mẹ, sống chết cùng Mẹ, giữ gìn nhà Mẹ, một tất không đi, một ly không rời. Và thật đau xót, ngày 15-6-1972, ba nữ tu nạn nhân chiến cuộc đã vĩnh viễn ra đi. Một dòng máu lệ được ghi trong lịch sử ḍng MTG Địa phận Huế. Một cuộc hành hương chân thật của các chị dòng, đi về Quê Mẹ La Vang:
Quê mình đạn réo bom rơi,
Chị là sao nhỏ cuối trời đã băng.
Chị về với Mẹ La Vang,
Gởi thân đất đỏ, cát vàng – chị đi.
Đã đành sinh ký tử quy…
(Thơ Trần Quang Chu – Trích: La Vang Quê Mẹ trong trái tim)
BÊN TRONG NGÔI NHÀ THỜ ĐỔ NÁT Ở QUẢNG TRỊ
Hai tháng sau, kể từ ngày chiến cuộc nổ ra, Đức Tổng Giám Mục Huế Philipphê Nguyễn Kim Điền trong Lời ngỏ cùng địa phận trong thời chiến đau buồn viết:
“Hai tháng rồi, chiến tranh thảm khốc đã giẫm nát một nửa Giáo phận Huế. Nhà cửa tan tành, mùa màng thối rục, giáo dân di tản… Nhà thờ, trường học, cơ sở bác ái xã hội, kể cả Trung tâm Thánh Mẫu La Vang… Những thứ tiêu biểu cho sức sinh hoạt Công giáo trong tỉnh Quảng Trị bấy lâu, thì hôm nay kể như không còn nữa. Công trình của bao năm gầy dựng hầu như mất cả rồi!”
Tháng 8-1972, nghĩa là hơn ba tháng kể từ ngày bắt đầu cuộc chiến, linh mục chủ nhiệm nguyệt san Sacerdos đã ra thăm La Vang, cha đã ghi lại cảnh La Vang điêu tàn như sau:
“Cả khu vực La Vang đều đổ nát, không một cây nào không mang vết đạn. Mái ngói nhà thờ La Vang Chính đã sập gần hết, trong khi nhà thờ La Vang Thượng chỉ còn là đống gạch vụn.
Vương Cung Thánh Đường La Vang đổ nát
Tất cả những nhà gạch có, gỗ có trong khu vực La Vang nằm ở ngoại ô Quảng Trị đều không còn mái. Nhiều dãy nhà sập hoàn toàn, hay chỉ còn sót lại mấy bức tường đầy vết đạn và đất.
Quanh các khu nhà đổ nát, khu vực La Vang chằng chịt hầm hố cá nhân. Nhiều hố lớn được ngụy trang kín đáo…Nhiều xác gia súc chết vẫn còn nằm phơi bộ xương trắng hếu, mùi hôi thối tỏa khắp vùng, trộn lẫn với cả xác lính, xác người dân chết vì bom, mìn, đạn pháo.
Không một bóng dáng gia súc nào lảng vảng trong vùng Linh địa La Vang, dù là một con gà, một con bò hay một chú chó. Trong khi ruồi nhặng bám đầy trên những xác chết, chúng vụt bay tứ tung khi gặp các toán quân tiến vào.
Ruộng lúa trong khu vực La Vang khô cằn, những cuốn rạ xác xơ, nhiều đám cỏ đã mọc cao hơn.
Chiều lễ Phục Sinh 2-4-1972, đã ba ngày Quảng Trị chìm trong khói lửa, cuộc chiến lan đến Thánh địa La Vang:“La Vang rung chuyển lên bởi những trận mưa trọng pháo. LaVang không phải trại binh, không phải đồn lũy, mà La Vang phải chịu những đợt tấn công bằng bom đạn…”. Trong cuộc hoảng loạn này, cùng với hàng chục vạn đồng bào Quảng Trị, giáo dân La Vang Chính và các giáo xứ La Vang định cư đã liều lĩnh vượt Đại lộ Kinh hoàng vô Huế, rồi cùng đồng bào Huế vượt đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. La Vang với gần 5.000 giáo dân nay chỉ còn bóng dáng mươi cụ già. Các giáo xứ La Vang định cư xem như bị xóa sổ, chỉ còn lại nhà Mẹ, đồng hành với dân tộc, chịu cảnh hoang tàn đổ nát.
Tất cả những bức tượng trong khu hành hương La Vang đều không còn nguyên vẹn. Vết đạn bom làm thủng nhiều nơi, cảnh hoang tàn bao trùm La Vang với những cây cao gãy ngọn, cành lá xác xơ vung vãi đầy trên mặt đất.
Giữa cảnh hoang tàn đổ nát, bức tượng Đức Mẹ đầy vết đạn vẫn sừng sững trên tháp nhà thờ La Vang Chính. Thấp hơn, hình ảnh Chúa Giêsu vẫn nằm nguyên trên thánh giá dính chặt trên bức tường loang lổ. Một người lính buộc miệng: ‘Chỉ còn Chúa!’
Nhà thờ La Vang Thượng, cạnh Quốc lộ 1, cách tỉnh lỵ Quảng Trị khoảng gần 4 cây số đường bộ, chỉ còn lại ba bức tường không nguyên vẹn. Bức tượng Chúa Chuộc Tội vẫn còn dính trên tường loang lổ. Một hình ảnh khá ‘linh thiêng!’
Nhiều ký giả ngoại quốc đến đây đều làm dấu Thánh Giá trước khi thu hình. Nhiều người lính giữ thái độ kính cẩn, cúi đầu, cầu xin.
Ngay tại nhà thờ La Vang Chính, chỉ còn khoảng hơn 10 tín hữu tiếp tục sống ở đây. Một bà lão gần 70, đã nói: ‘Hơn trăm năm trước đây, Đức Mẹ đã hiện ra ba lần và dặn tổ tiên chúng tôi phải ở lại, nên chúng tôi không thể rời bỏ chỗ này’…”.
Nhà thờ Đức Mẹ La Vang trước khi xảy ra cuộc chiến, Y sĩ Nguyễn Duy Hảo cùng Linh mục Tuyên uý đưa thương phế binh từ Tổng Y viện Duy Tân đi hành hương Nhà thờ La Vang ngày 30/5/1970
Và La Vang, một năm sau cuộc chiến Mùa hè Đỏ lửa, tháng 3-1973, tác giả Vinh Danh đã diễn tả quang cảnh nhà Mẹ như sau:
“Sáng ngày 21-3-1973, trời khô ráo. Vào lúc 7 giờ 45, tôi đi theo Đức Tổng Giám mục và Cha Tổng Đại diện ra Quảng Trị…
Xe bắt đầu vào cổng Công trường La Vang lúc 9 giờ. Bầu không khí quá thinh lặng. Chỉ nghe vài tiếng súng nổ xa xa và tiếng xe chạy. Phần đông các bức tượng Mười lăm Mầu nhiệm nơi công trường bị đổ nát, trừ một vài bức còn nguyên. Còn bức tượng Chúa Vác Thánh Giá bị lật xiên ra ngoài. Hai bên công trường, các cột đèn nê-ông xơ xác. Công trường bị cày tan hết, đầy những vết xe, vết đạn lồi lõm đất và đá.
Nhìn lên, chúng tôi thấy trên tháp cao xiêu vẹo của Vương Cung Thánh Đường ba lá cờ đang bay. Đài mới xây chính giữa sân, thường dùng để hành lễ, nay bị rạn nứt hết, lòi cát trắng.
Vương Cung Thánh Đường trống trải vì vách hai bên không còn nữa. Gạch đá ngổn ngang được tấp vào hai bên để phía giữa nhà thờ được sạch sẽ. Nhìn lên nóc đền thờ, đầy rạn nứt và đang muốn sập, chúng tôi thấy những con chim sẻ đang bay lượn kêu chim chíp. Nơi chỗ rước lễ có treo một lá cờ Tòa Thánh và một lá cờ quốc gia. Một cái giá Micro cũ kỹ còn nằm trước cấp bàn thờ chính, có hai con voi sành đứng chầu. Nơi bàn thờ này, chúng tôi thấy những bảng Tạ Ơn.
TỔNG THỐNG VNCH NGUYỄN VĂN THIỆU QUỲ CẦU NGUYỆN TRONG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG LA VANG ĐỔ NÁT, 20-9-1972. Giữa tháng 9 năm 1972, khói lửa cuộc chiến “Mùa hè Đỏ lửa” còn đang tiếp diễn ở tỉnh thành Quảng Trị. Ngày 20-9-1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cùng tướng Bùi Thế Lân – Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân lục chiến và tướng Ngô Quang Trưởng – Tư lệnh Quân đoàn I, đến thị sát mặt trận Cổ Thành. Trên đường di chuyển, đoàn xe của Tổng thống chạy qua nhà thờ La Vang. Tổng thống Thiệu cho lệnh dừng xe và bước vào quỳ gối cầu nguyện trong Vương Cung Thánh Đường đổ nát, trong khi đại bác 130 ly của “Mặt trận Giải phóng miền Nam” vẫn còn nổ vang quanh đó.
Chỗ bảo tháp Đức Mẹ hiện ra, ba cây đa cổ thụ đúc bêtông cốt sắt còn đứng vững. Hai bên cây cối còn xanh, và một vài cây có hoa. Đức Mẹ vẫn đứng trên bậc cao nhưng không còn nhìn xuống nữa, vì đầu Ngài (đầu của bức tượng) đã bị súng đạn của hai bên Nam, Bắc bắn bay mất, nhưng vẫn còn cặp môi ở trên bức tượng. Người ta có thể nghe được từ cặp môi này những lời kỳ diệu của một giải pháp hòa bình đích thực và lâu bền cho tổ quốc chúng ta: ‘Các con hai bên hãy thật lòng từ bỏ mọi tị hiềm và thương nhau thật như anh em một nhà’.
Khi đứng sau lưng Vương Cung Thánh Đường, chúng tôi nhìn về phía nhà Tĩnh Tâm, tòa nhà đẹp nhất trong vùng Linh địa này, tuy không sụp xuống sát đất nhưng bị méo mó và bệ rạc hoàn toàn.
Chỗ tu viện Mến Thánh Giá La Vang ngày trước, nay chỉ còn giơ lên một vài cái sườn sắt và vài bức vách trống.
Cuộc chia ly Mùa hè 1972.
Nhà cha sở thật điêu tàn. Lầu trên không lên được vì thang lầu hai bên, một đàng bị lủng mất, đàng kia bị gạch đá phủ đầy. Trong phòng cha sở, giấy tờ, sách báo, đồ đạc ngổn ngang, có bộ xương đầu con chó, mùi hôi thối, đứng lâu chịu không nổi.
Nếm chung số phận tỉnh Quảng Trị, Linh địa La Vang bề ngoài mang những đấu vết điêu tàn không tả được. Nhưng hơn bao giờ hết, Mẹ La Vang vẫn tiếp tục ban nhiều ơn cho con cái Ngài…”.
GIÁM MỤC TỔNG ĐẠI DIỆN PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN VĂN THUẬN – MẶC ĐỒ ĐEN HÀNG THỨ HAI BÊN TRÁI – HƯỚNG DẪN ĐOÀN SINH VIÊN CÔNG GIÁO LIÊN ĐẠI HỌC MIỀN NAM ĐI BỘ TỪ HUẾ HÀNH HƯƠNG RA LA VANG. NGƯỜI VÁC THÁNH GIÁ ĐI ĐẦU LÀ TRƯỞNG LÊ NGỌC BƯU
Sau 30-4-1975, nghĩa là hơn ba năm sau cuộc chiến, cha sở Diên Sanh E. Nguyễn Vinh Gioang đến kiêm nhiệm quản xứ La Vang, cho biết dấu tích hoang tàn nơi Linh địa vẫn còn kéo dài cho đến sau năm 1975:
Chiến cuộc năm 1972 đã gây nên tổn thất vô cùng nặng nề cho Linh địa La Vang. Theo ghi chú của những nhân chứng tại chỗ, với chiến cuộc 1972, toàn bộ khu vực La Vang đổ nát. Đền thờ tróc hết mái và đổ sập thành một đống cao. Các dãy nhà khác trong Linh địa như nhà cha sở, nhà Tĩnh Tâm, nhà Đại Chúng, nhà dệt, nhà điện, tu viện đều sập nát tan tành, chỉ còn lại bức tường găm đầy những vết đạn và bùn đất. Cây cối tàn rụi, chỉ còn vài thân cây đứng vững nhưng xơ xác và sần sùi dấu vết đạn bom. Quảng trường Mân Côi bị bom đạn cày xới lỗ chỗ. Nhiều bức tượng trong quần thể Mười lăm sự Mầu nhiệm bị tan nát hoặc bị sứt mẻ trầm trọng. Hầm hố chằng chịt, xác chết ngổn ngang, ruồi nhặng đầy tràn, mùi tử khí tỏa ra khắp Linh địa La Vang. Chỉ còn ba cây đa nhân tạo nơi đài Đức Mẹ là vẫn đứng vững, nguyên vẹn. Dấu tích hoang tàn kéo dài cho đến sau năm 1975”…
La Vang mùa binh lửa,
Bom nổ trên giáo đường.
Phong rêu màu gạch ố,
Nền Vương Cung cỏ hoang.
La Vang mùa binh lửa,
Lệ nhòa hay khói sương?
Lòng bùi ngùi nhớ thuở
Vương Cung đại giáo đường.
Đã qua mùa binh lửa,
Nhện còn giăng tháp chuông.
Cỏ hoang trên nền cũ,
Chạnh lòng khách hành hương!
          
(Thơ Trần Quang Chu – Trích: La Vang Quê Mẹ trong trái tim)
Tập sách Hành Hương Đức Mẹ La Vang – tác giả Trần Quang Chu
Maria Hoa
Maria Hoa
Đam mê chia sẻ
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

- Advertisment -
Cầu Nguyện Online

Phổ biến

Recent Comments